30 năm nấu mật ong giả của bà lão: Bán đắt người ta mới tin

Mật ong là nguyên liệu phải đúc kết nhiều thời gian mới có thể đủ dùng cho sinh hoạt con người. Vì hám lợi, nhiều người đã dùng thủ đoạn để làm mật ong giả từ nhiều hương liệu hoá học sau đó bán với giá cao ra ngoài thị trường.

Hơn 30 năm bán mật ong giả ở Hà Nội

Theo ToKhoe, phóng viên (pv) đã vào vai người cần mua mật ong giả tại Hà Nội số lượng lớn tại xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Và như mọi con buôn, khách xa cần loại mật giá rẻ để có lãi cao. Anh H và vợ đã đem ra thứ “mật ong rừng” giá 120.000-170.000 đồng/lít. Giá tiền này chỉ bằng một nửa giá của Công Ty Ong Trung ương bán.

PV lấy một ít hàng, và loại mật được gọi là “mật ong rừng” hoặc “mật ong hoa thuốc phiện” được anh H quảng bá là sản xuất từ công nghệ 4 đời làm mật ong rất đáng nghi ngờ.

Được biết, anh H có một số đàn ong và đưa chúng đi hút mật hoa bạch đàn, mật hoa nhãn, hoa bạc hà ở Hưng Yên hoặc vùng núi cao thật. Tuy nhiên lượng mật “xịn” không thể nào đáp ứng được nhu cầu lớn của người tiêu dùng.

Vậy mật ong lấy ở đâu?

Sau quá trình thương thảo. Các PV đã thu thập được một số thông tin như sau: Thôn Áng Thượng này đúng là có một số người làm mật ong giả. Trước nhiều người làm lắm, giờ người tiêu dùng “khôn” hơn nên chỉ còn một số hộ làm thôi. Họ dùng nước lã nấu với hóa chất, rồi phủ lên miệng chai mật ong thật thêm ít sáp ong. Đảm bảo khách sẽ không thể phân biệt được.

Sau đó, anh H giới thiệu đến nhà bà Hoàng Thị V với “lý lịch” hơn 30 năm bán mật ong giả ở Hà Nội.

Gặp khách sộp, bà V tự tin: Gần đây, tôi vẫn đi xe bus lên Hà Đông bán mật ong nấu. Có khi đi xe bus, nhờ người ta khiêng hộ cả can 40 lít, bán hết veo. Khách theo về tận nhà đòi mua. Sau vài lần mua hàng “bỏ mối”, bà V bắt đầu chia sẻ các ngón nghề.

Bà bảo, cần khéo tay và khéo nói khi làm nghề này. Trông tôi quê mùa, lại bưng thúng bưng mẹt với ít mật ong “quà quê” nên ai chả tin. Khó nhất là cách nấu. Bà bày ra đường trắng, hàn the rồi các loại phụ kiện khác. Rồi nổi lửa.

“Trông tôi quê mùa, lại bưng thúng bưng mẹt với ít mật ong “quà quê” nên ai chả tin”

Bà phân tích: Đun sôi một nồi nước giếng này, bỏ đường vào, nổi lửa, khuấy đều lên. Bao giờ thấy nước đường chuyển sang màu cánh gián, đang khuấy mà nhấc đũa lên thấy “mật” có độ dính bám chảy đều thì dụi lửa. Đợi nó nguội thì đổ ra chai. Nhớ là khi đổ mật giả gần đầy thì dừng lại, để một đoạn cổ chai để đổ mật ong thật vào. Mục đích là khi khách hàng muốn nếm, thì họ uống dính mật thật, tin sái cổ.

Với vài chục nghìn tiền mua “nguyên liệu” bán rẻ thì cũng được hơn 1 triệu đồng. Suốt 30 năm làm mật ong giả, xong xây nhà, lo giúp con và 9 đứa cháu thế kia, bà V đã thay bọn ong thợ làm ra bao nhiêu vạn lít mật ong giả? Và người tiêu dùng đã lãnh đủ bệnh tật ra sao?

Mật giả, nhưng phải bán giá cao họ mới tin!

Vì sao “nấu” mật ong dễ dàng và siêu lợi nhuận thế mà không nhiều người làm? Bà cụ móm mém nói: Khó nhất là có biết nói để người ta tin và mua “mật” không? Cái thứ hai là cần có kỹ năng nấu, lửa to, lửa bé, khuấy trộn sao cho “mật” được “giữa nhà” chữa bệnh và bồi bổ suốt vài năm mà không bị đen xỉn hay vón cục.

Ở Sa Pa, mỗi ngày, du khách tiêu thụ hàng trăm, hàng nghìn lít mật ong rừng. Trong khi, thử hỏi ở các bản làng, có ai nuôi ong lấy mật không, sản lượng của họ bao nhiêu tháng thì được… vài lít? Mật ong lấy ở đâu, sao chỉ rẻ ở mức 100.000 đến 150.000 đồng/lít? Ai dám định chất lượng của “mật ong rừng”, ai đi trừ khử thứ “mật ong nấu bằng đường với hàn the bỏ thêm hóa chất”?

Câu trả lời là… có trời mà biết được. Một tư thương còn tiết lộ những điều nhẫn tâm hơn: Để làm tin cho người mua, họ vò lá bạch đàn rang thơm vào mật ong, thậm chí, muốn biến thành mật ong hoa gì, thì bỏ thứ hóa chất giả hoa đó vào. Đặc biệt, nhiều thương lái nghĩ ra trò mới: Lên núi cao, ven các cung đường “phượt” tuyệt đẹp, họ cho một người ăn mặc kiểu “đồng bào thiểu số” ngồi đó, bên cạnh là các tổ ong rừng vàng ruộm ai nhìn cũng muốn… cắn.

“Muốn biến thành mật ong hoa gì, thì bỏ thứ hóa chất giả hoa đó vào”

Húp tí mật ong trong lòng cái tổ vàng óng. Ai chả tin. Trong mật vắt sẵn lại lẫn ít xác ong chết, vài miếng sáp ong khô. Ai cũng mừng huýnh, mua về biếu cha mẹ, mua làm quà cho người thân… Tất cả là mật ong hóa chất. Sử dụng nhiều, nó tích tụ vào thì khỏi nói ai cũng biết sẽ đi về đâu.

Các chị “tự biến thành ong” đem thứ mật mình làm ra, nói: “Em phải bán lên vùng cao, lên đó dễ lừa khách mua hơn. Em phải bán giá cao, vì bán rẻ là người ta lại nghi là mật ong giả. Em nên mua mang vào các cơ quan, bán rẻ cho họ đóng thành túi quà tặng đối tác. Chứ quà cáp ùn ùn, lấy đâu ra mật ong rừng. Đánh vào lòng tham thì trận nào cũng thắng. Có chất chống đông, có hương liệu rồi, thì để cả năm mật vẫn vàng óng, chảy mịn như… dầu luyn”.

“Em phải bán giá cao, vì bán rẻ là người ta lại nghi là mật ong giả”

Nước ta có nhiều vùng, nhiều làng làm mật ong giả. Có “phiên chợ của quỷ” chuyên biệt cung cấp hóa chất cho việc phù phép làm thực phẩm đểu đầu độc người tiêu dùng vô tội.

Câu hỏi đặt ra là, giữa sự tung hoành của đám “tư thương” sấp mặt vì tiền kia, thì cơ quan quản lý đứng ở đâu? Với các bài mà PV đã thực hiện, liệu nhà quản lý có thấy xấu hổ, và ít ra thì quý vị có lo lắng, mình cũng đã, đang và sẽ là nạn nhân của vô số trò bỉ ổi kiểu này không?

Đằng sau ma trận mật ong rừng là một nỗi xấu hổ của lương tri làm người, tôi nghĩ thế. Chúng ta cần chung tay vào cuộc, trước khi tất cả trở thành quá muộn.

Cách phân biệt mật ong thật giả